Dùng thuốc ở phụ nữ có thai luôn được các thầy thuốc khuyên phải rất
thận trọng, ngay cả với những thuốc được coi là “ bổ” vì những thuốc đó
có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình thai nghén, sự phát triển của thai
nhi, thậm chí còn gây dị dạng cho thai, thai chết lưu hoặc gây sảy thai.
Thai
nhi phát triển nhờ chất dinh dưỡng của người mẹ thông qua bánh nhau.
Nhau thai là một tổ chức đặc biệt có thể ngăn cản một số chất độc hại,
tuy nhiên, rất nhiều chất gây hại cho thai vẫn có thể đi qua hàng rào
nhau thai một cách dễ dàng. Vì vậy, một số thuốc cần phải tránh khi
đang thai nghén:
Thuốc hệ tim mạch: Nếu là thuốc loại digital tuy
qua nhau thai chậm nhưng tích lũy ở thai nhiều hơn ở mẹ (2 - 10 lần) có
thể gây tai biến nặng cho thai. Các thuốc hạ huyết áp trong đó có
reserpin gây giảm đường huyết và làm mạch chậm ở trẻ sơ sinh, tăng nguy
cơ huyết khối. Các thuốc lợi tiểu dùng khi người mẹ bị bệnh tim làm
giảm thể tích huyết tương ở mẹ và giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh.
Thuốc hệ hô hấp: Aminophylin có thể gây khó thở ở trẻ sơ sinh.
Thuốc
hệ thần kinh: Các thuốc ngủ và an thần dễ dàng qua nhau thai, dễ tích
lũy, khó thải trừ có thể làm trẻ sơ sinh xuất huyết, giảm tiểu cầu.
Morphin và các dẫn chất thuốc phiện có thể làm chết thai. Thuốc mê toàn
thân gây thiếu ôxy cho thai có khi rất trầm trọng làm thai chết, vì
thế, khi người mẹ phải mổ nên tìm cách giảm đau khác (gây tê tủy sống
hoặc ngoài màng cứng) thay cho gây mê toàn thân.
Phụ nữ có thai phải thận trọng khi dùng thuốc.
Kháng sinh và sulfamid:
Các
kháng sinh qua nhau thai ở người con so dễ hơn ở người con dạ.
Penicillin qua nhau thai dễ dàng, có thể ngăn giang mai bẩm sinh cho
thai nhưng nếu thai bị dị ứng thuốc thì nguy hiểm đến tính mạng giống
như khi tiêm cho trẻ đã được đẻ ra ngoài. Streptomycin có thể gây điếc
bẩm sinh nếu dùng cho mẹ ở những tháng cuối của thai nghén.
Cloramphenicol có thể gây hội chứng vàng da nhân xám ở trẻ sơ sinh.
Rifampicin (thuốc trị lao) làm tăng nguy cơ chảy máu ở trẻ sơ sinh.
Trong các thuốc chữa lao chỉ có INH là thuốc an toàn cho thai hơn cả.
Tetracyclin có thể làm cho men răng của trẻ sau này có màu vàng. Các
loại sulfamid làm tăng nguy cơ chảy máu và vàng da ở trẻ sơ sinh.
Thuốc điều trị ung thư: Methotrexat có nguy cơ gây dị dạng thai nhi.
Thuốc
chống sốt rét: Primaquin có thể gây tan huyết và tăng methemoglobin
huyết ở trẻ sơ sinh. Pyrimetamin và quinin liều cao có thể gây dị dạng
thai.
Các thuốc nội tiết: Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp gây
phù niêm dịch và suy tuyến giáp ở trẻ sơ sinh. Các loại corticoid có
thể gây ức chế vỏ thượng thận của trẻ sơ sinh. Các sulfamid hạ đường
huyết dùng cho mẹ cũng làm hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Các thuốc nội
tiết nam (androgen) gây nam tính hóa ở bào thai nữ. Thuốc nội tiết nữ
dietylstinbestrol xưa kia dùng để phòng ngừa sảy thai liên tiếp nhưng
từ lâu đã bị loại bỏ vì có thể gây ung thư âm đạo cho các em gái được
sinh ra sau 9-10 năm.
Các thuốc giảm đau nhóm kháng viêm không
steroid (NSAID) có thể làm tăng nguy cơ sảy thai trong ba tháng đầu lên
hơn hai lần dù chỉ dùng với một lượng nhỏ. Nguy cơ nhiều nhất của nhóm
thuốc này là diclofenac, tiếp đó là naproxen, celecoxib, ibuprofen và
rofecoxib, dù dùng đơn lẻ hay phối hợp. Trong nhóm thuốc này
paracetamol được coi là an toàn hơn cả.
Các loại vaccin sống: Có thể gây dị dạng cho thai.
Các
vitamin: Nhiều người nghĩ rằng, vitamin là loại thuốc bổ, vì thế cứ
uống nhiều cũng chẳng sao nhưng thực ra vẫn có tác hại. Trước hết do sử
dụng nhiều vitamin, cơ thể có thói quen đào thải số lượng vitamin
“thừa” nên khi không dùng nữa thì các vitamin trong thực phẩm ăn vào dù
đủ cũng bị đào thải nhiều khiến cơ thể bị thiếu. Mặt khác, có loại như
vitamin D khi dùng nhiều và kéo dài sẽ làm cho nhau thai bị vôi hóa,
khiến việc trao đổi chất giữa máu mẹ với thai qua nhau thai bị cản trở
và còn gây đọng vôi ở xương và các phủ tạng, nhất là tại thận của thai.
Vitamin C uống nhiều sẽ tích lũy trong nước ối, vitamin B12 tích lũy ở
nhau thai.
Đối với các thuốc đông dược: Theo các tài liệu đã
được công bố khi có thai, nhiều loại thuốc Đông y cũng không được dùng
như: ích mẫu, hoa hòe, hồng hoa, hùng hoàng, bán hạ, ngưu tất, nhục
quế, xuyên khung, quy bản, rượu hổ cốt… Các thuốc tổng hợp không được
dùng như: lục thần hoàn, thập toàn đại bổ… Một điều rất khó cho thầy
thuốc là với thuốc Đông y, các vị thuốc thường là các loại cây, lá, rễ…
của các loài thực vật được dùng làm thuốc, bên trong các vị thuốc ấy có
chứa nhiều loại hoạt chất khác nhau chứ không chỉ là đơn chất cho từng
loại như “tân dược”, vì thế vị thuốc ấy có lẫn những hoạt chất nào nguy
hại cho thai hay không thì không phải thầy thuốc nào cũng có thể khẳng
định được.
Vì vậy, tốt hơn cả là khi có thai, nhất là trong
những tháng đầu của thai nghén, bà mẹ không nên dùng bất cứ loại thuốc
nào vì đây là giai đoạn bào thai đang hình thành, rất dễ chịu tác động
của thuốc, hóa chất khiến thai có thể bị dị dạng, cả thuốc tân dược
cũng như đông dược. Tuy nhiên, khi bà mẹ mang thai cần bổ sung một số
thuốc (như viên sắt, acid folic) rất cần thiết cho sự phát triển của
thai nhi. Khi có bệnh cần điều trị thì thầy thuốc sẽ cân nhắc, lựa chọn
loại thuốc nào thích hợp và ít nguy hại nhất cho thai để dùng cho bà mẹ.
BS. Phó Đức Nhuận
Theo SKĐS
Liên Hệ - Hỗ Trợ
→ Yahoo: NhocLuCiFer
→ WapGameVN.Biz@Gmail.Com
1 / 156